Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là truyền thống quý báu, được truyền từ đời này sang đời khác. Thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ tới những người có công với quê hương, đất nước, là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn lao, là hình mẫu cho thế hệ trẻ hiện nay cần noi gương.
Chính vì vậy, được sự đồng ý của UBND thành phố Hải Dương, Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố, UBND xã Ngọc Sơn long trọng tổ chức “Lễ đón bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân”.
Địa điểm: Tại trụ sở UBND xã Ngọc Sơn và khu di tích nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân.
Thời gian: ½ ngày 18 tháng 9 năm 2022. (Bắt đầu từ 7h).
(Nguồn ảnh: Bảo tàng Hải Dương)
Để chào mừng Lễ đón bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân và tưởng nhớ đến Ngài, sau đây kính mời toàn thể nhân dân trong xã lắng nghe Tiểu sử, thân thế, sự nghiệp, công trạng của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân và sơ lược di tích nhà thờ.
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân, còn được gọi là nhà thờ họ Vũ tọa lạc tại trung tâm thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Vào đầu thế kỷ XIX, Ngọc Lặc là một xã thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh, làng (xã) Ngọc Lặc thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chính phủ bãi bỏ đơn vị hành chính cấp Tổng, xã Ngọc Lặc chuyển thành thôn và sáp nhập với thôn Mỹ Xá, lập thành xã mới, lấy tên là Mỹ Ngọc. Năm 1946, xã Mỹ Ngọc sáp nhập với xã Kỳ Sơn thành xã Ngọc Sơn.
Trải qua thời gian, đến nay thực hiện Nghị Quyết số 788/NQ – UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xã Ngọc Sơn được sáp nhập về thành phố Hải Dương và trở thành 1 đơn vị cấp xã của thành phố.
Xã Ngọc Sơn có diện tích tự nhiên 483,32 ha; dân số 7.984 người, có 37 dòng họ lớn nhỏ (tính đến ngày 01/7/2020), trong đó họ Vũ, Nguyễn, Trần được coi là “Tiên công lập ấp”. “Năm 1961, ngành khảo cổ học khai quật một số mộ cổ ở đống Trình, đống Giữa, đống Mắm, đống Tháp,… thuộc thôn Ngọc Lặc, phát hiện nhiều đồ tùy tang và đồ đồng như Rìu, cối giã trầu, cung, nỏ và đặc biệt có cả khuôn đúc trống đồng. Từ những minh chứng đó, có thể nói mảnh đất Ngọc Sơn là mảnh đất có nền văn hóa từ rất sớm.
Hiện tại, xã Ngọc Sơn còn gìn giữ và quản lý 04 ngôi đình, 04 ngôi chùa, 01 ngôi Miếu, 01 nhà thờ. Đặc biệt có 03 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đó là Đình Lặc, Miếu Phạm Xá, Đình Mỹ Xá và di tích nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân được xếp hạng cấp Tỉnh.
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân cách trung tâm hành chính xã Ngọc Sơn khoảng 1 km, cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 6,5km, du khách có thể tới tham quan, chiêm bái bằng nhiều hình thức như xe ô tô, xe máy đều thuận tiện và dễ dàng.
Di tích Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân là nơi thờ tự, tôn vinh Tiến sĩ Vũ Khâm Lân, người có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự phát triển của quốc gia Đại Việt trong Thế kỷ XVIII trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, quân sự,… được triều đình ghi nhận, sử sách lưu truyền, nhân dân ngưỡng mộ.
Căn cứ vào hệ thống sắc phong, bia ký, câu đối, đại tự đang lưu giữ tại di tích, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục Hà Nội, năm 1988, chuyển sang ấn bản điện tử bởi Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên năm 2001 (trang 530, 848, 870, 871, 873), sách “Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 – 1919) – Hội đồng biên soạn địa chí tỉnh Hải Dương và một số nguồn tư liệu khác có liên quan, thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân được khái quát như sau:
Vũ Khâm Lân sinh năm Qúy Mùi (1703) ở xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương), có tên là Vũ Khâm Thận, sau đổi là Vũ Khâm Lân. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng từ nhỏ Ông sớm có tư chất thông minh hơn người, có công học tập thành đạt vẻ vang. Tại khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái 8 (1727), đời vua Lê Dụ Tông, Vũ Khâm Lân đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, năm 25 tuổi. Từ đó ông bước vào chốn quan trường, giữ chức quan Cấp sự trung, làm việc ở các Khoa (là cơ quan trực thuộc Bộ, mỗi Bộ có một khoa mang tên của Bộ mình như Lễ khoa, Bộ khoa, Hình khoa,…). Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến năm 1746, Vũ Khâm Lân được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Lại, ban tước Hầu. Đây là Bộ rất quan trọng trong Lục bộ triều đình bấy giờ, chuyên lo việc chính sự thăng giáng về văn quan trong kinh, ngoài trấn; chỉnh đốn phương pháp làm quan để giúp việc chính sự trong nước. Đứng đầu mỗi Bộ có chức Thượng thư và chức phó của Thượng thư là Tả, Hữu Thị lang (Hàm Tòng tam phẩm).
Đến năm 1956, Ông được thăng chức Bồi tụng Đô ngự sử (chức quan đứng đầu Ngự sử Đài), tước Quận công (sau Quốc công nhưng cao hơn các tước vị khác như Hầu, Bá, Tử và Nam).
Đương thời, Vũ Khâm Lân có tiếng là người hào hiệp, khẳng khái, không câu thúc, gặp việc dám nói, dám làm, không a dua kẻ quyền quý, bị những người giữ chức vụ thời đó ganh ghét, ngoài ra ông có tiếng về tài văn chương. Ông là người góp thêm nhiều truyện mới vào quyển Lĩnh Nam Chích quái, soạn bài ký về thân thế, cuộc đời Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vũ Khâm Lân mất ngày 20 tháng 8 (âm lịch), không rõ năm. Ông có để lại tập Phủ sát ký mật. Triều đình truy tặng ông chức Thượng thư Bộ Binh (chức quan đứng đầu Bộ Binh), ban tên thụy là Mẫn Đạt, hiệu là Di Trai. Con ông là Vũ Cơ (sinh năm 1736 – không rõ năm mất), cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Qúy Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 24 (1763), làm quan tới chức Hàn Lâm viện hiệu Lý, trấn thủ Lạng Sơn.
Do có nhiều công lao với nước, với dân, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân được triều đình phong kiến nhà Lê ban tặng nhiều sắc phong vào các năm: Long Đức 3 (1734), Cảnh Hưng 7 (1746), Cảnh Hưng 17 (1756) và Cảnh Hưng 19 (1758). Hiện nay tại nhà thờ còn lưu giữ 19 đạo sắc phong, là một trong những di tích còn lưu giữ được nhiều sắc phong nhất trên địa bàn thành phố Hải Dương.
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân xây dựng tại trung tâm thôn Ngọc Lặc trên một khu đất bằng phẳng, vuông vắn, mặt tiền quay về hướng Tây (ghé Bắc), cách đình Ngọc Lặc khoảng 20m về hướng Nam, cách đình Vạn Hộ khoảng 300m về hướng Đông nam, cách chùa Vạn Hộ khoảng 500m về hướng Đông Bắc, tạo thành quần thể di tích tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh trong địa phương.
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân được xây dựng từ bao giờ đến nay vẫn chưa có tài liệu nào kiểm chứng nhưng qua kết cấu kiến trúc, các mảng chạm khắc tại di tích thì có thể cho rằng di tích thuộc thời Nguyễn (Thế kỷ thứ 19).
Di tích có kết cấu hình chữ Nhất, 3 gian, hai mái, nhìn từ di tích xuống thì phía trước là sân rộng lát đá, phía bên tay phải di tích là một nhà gỗ cổ truyền 3 gian của ông Trưởng tộc, bên tay trái là hệ thống bia đá. Di tích hiện còn bảo lưu khá nguyên vẹn kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ tứ thiết, các mảng chạm khắc theo đề tài lá lật, trúc hóa long… đặc trưng của kiến trúc Thế kỷ 19. Bố trí thờ trong di tích bao gồm 3 ban thờ, chính giữa là ban thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân, hai bên là khám thờ cụ Thượng tổ họ Vũ và những người thân, công lao với dòng họ, phía trước ngai thờ là các đồ thờ tự như bát hương, đèn nến, chân đèn,…
Hằng năm, tại nhà thờ có một kỳ lễ chính được tổ chức trong hai ngày từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 8 (âm lịch), trọng lễ là ngày 20 tưởng niệm ngày mất của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (nay gọi là giỗ tổ). Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 cho đến nay, lễ giỗ Tổ vẫn được duy trì tại nhà thờ, nhưng thời gian được rút ngắn trong một ngày (20 tháng 8 âm lịch). Lễ vật được cúng tại ngày giỗ Tổ bao gồm xôi gà, trầu rượu, hoa quả, thủ lợn,… theo đúng nghi thức truyền thống của dân tộc Việt. Tại ngày này, con em trong dòng tộc nói riêng và toàn thể nhân dân trong xã nói chung tề tựu đầy đủ để tướng nhớ đến Ngài.
Qua những giá trị Lịch sử - Văn hóa. Di tích nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh tại quyết định số 50 ngày 08 tháng 01 năm 2021.
Công lao của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân đối với đất nước vô cùng to lớn, là tấm gương cho thế hệ trẻ trong dòng tộc nói riêng và thế hệ trẻ trong địa phương nói chung cần học hỏi, noi theo. Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của đời đời cha ông đã để lại cho thế hệ sau cần trân trọng và biết ơn. Để Lễ đón bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân đúng là hội của nhân dân trong xã, mỗi người con quê hương Ngọc Sơn cần thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tự hào của dân tộc, góp phần tạo không khí vui tươi cho ngày hội, qua nhiều hình thức như tự giác tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc, nhà trường, các em học sinh trong xã cần có những buổi học tham quan thực tế tại di tích để tìm hiểu, học tập và noi gương theo tấm gương của Ngài, coi đây là địa chỉ đỏ, là nơi nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của địa phương… góp phần nâng cao ý thức của nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống hiếu học, giá trị di sản của địa phương , xây dựng quê hương Ngọc Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.